Trước bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần hồi phục, việc thúc đẩy, tăng tốc kết nối cung-cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản sao cho hiệu quả là vấn đề được các cơ quan chức năng quan tâm. Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP bị ảnh hưởng. Nhiều sự kiện xúc tiến, tiêu thụ bị hạn chế, hủy bỏ. Điều này đã tác động lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất sản phẩm OCOP.
Trong tình hình mới, các doanh nghiệp đang dần thích nghi và có định hướng thúc đẩy, tăng tốc kết nối cung-cầu, mở rộng thị trường sản phẩm OCOP trong điều kiện các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, dần làm quen với phương án phòng chống dịch Covid-19. Việc mở cửa, dần bình thường hóa cũng là cơ hội để tăng tốc các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ ưu tiên tập trung vào tiêu thụ, xúc tiến quảng bá các nông sản, thủy sản, sản phẩm OCOP, tiếp tục gắn tiêu thụ, quảng bá với du lịch và các sự kiện lớn như SEAGames 2022 ở Quảng Ninh.
Quảng Ninh đã xác định thị trường trong tỉnh và trong nước là trọng tâm. Bởi các sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản chỉ mới khởi động, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tiêu thụ, tìm kiếm thị trường tốt nhất cho sản phẩm nông sản, thủy sản vẫn tồn đọng. Năm 2021, hoạt động này đã thể hiện rõ hiệu quả. Nhờ kết nối tiêu thụ dịp cuối năm, việc tiêu thụ các mặt hàng như cá song, ngao, hàu và một số mặt hàng khác ở các vùng nuôi trồng thủy sản Vân Đồn, Quảng Yên với các đơn vị ngành than, nhiệt điện, xổ số đã giúp cung-cầu gặp nhau.
Một trọng tâm khác, tiếp tục các hoạt động thương mại, xúc tiến qua các hội chợ, phiên chợ vẫn được coi là một kênh quan trọng để tiêu thụ, duy trì sản xuất cho doanh nghiệp. Ngoài các hội chợ thường niên như Tuần OCOP, Hội chợ OCOP theo mùa, sẽ gắn sự kiện xúc tiến với các ngày lễ, sự kiện lớn như Quốc khánh 2/9, ngày 12/11, dịp 30/4, 1/5...
Hoạt động tiêu thụ sản phẩm OCOP vốn là chương trình gắn với nguồn hỗ trợ xúc tiến của Bộ Công Thương, mới triển khai gần đây, chứng tỏ rõ hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 thời gian qua. Ở Quảng Ninh, chương trình này được lồng ghép, tổ chức qua các hội chợ, trong đó ưu tiên đưa nông sản, thủy sản, sản phẩm OCOP về địa phương. Các hội chợ, phiên chợ giúp các doanh nghiệp tiêu thụ hàng vạn sản phẩm, khôi phục, ổn định sản xuất; đồng thời tạo đà, giúp tính toán định hướng sản phẩm phù hợp với tình hình thị trường năm tới.
Bên cạnh đó, khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần ổn định, bình thường trở lại, các hoạt động xúc tiến thương mại ngoại tỉnh (đặc biệt ở các thị trường trọng điểm) cũng rất được tỉnh Quảng Ninh quan tâm. Dự kiến sẽ có các phiên xúc tiến tiêu thụ, kết nối với thị trường Hà Đông (Hà Nội), các thị trường khởi động du lịch sớm như Nghệ An, Đà Nẵng và các thị trường mới, đóng vai trò đầu mối như Thái Nguyên...
Hiện nay, việc kết nối xuất khẩu với các thị trường Đông Bắc Á còn khó do yêu cầu cao khiến sản phẩm OCOP khó đáp ứng tiêu chuẩn, nên tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung kết nối với các thị trường kề cận, có tiêu chuẩn tương đương. Khi tình hình dịch bệnh dần ổn định, dự kiến sẽ có các cuộc xúc tiến, kết nối tìm kiếm thị trường tại Đông Hưng (Trung Quốc), thị trường ASEAN như Lào, Campuchia... qua các hội chợ thương mại, bởi đây là kênh tiêu thụ lớn, quan trọng mà các sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản không gặp khó.
Ngoài ra, thương mại điện tử, chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP, tăng sức quảng bá, tiếp cận và mở rộng thị trường vẫn được ưu tiên thực hiện mạnh mẽ... Đó là các phiên chợ online, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc tăng tốc tiêu thụ, quảng bá cũng cần đồng hành với việc đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm cam kết, tổ chức đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 để giữ uy tín, phát triển bền vững.
Ngọc Thúy (theo Quảng Ninh Portal)